Xu hướng phát triển P2P lending trên thế giới

Ra đời cách đây 14 năm, P2P Lending là hình thức vay ngang hàng sử dụng nền tảng công nghệ (platform) để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay, không thông qua trung gian tài chính truyền thống. Từ các thị trường Anh, Mỹ, P2P Lending đã nhanh chóng phát triển mạnh sang châu Á và được mở rộng tại các thị trường Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… và Việt Nam.

Tuy nhiên, dù hình thức cho vay ngang hàng giống nhau nhưng cách thức quản lý ở mỗi quốc gia lại có một số điểm khác nhau. Tại Mỹ hoặc Anh, P2P Lending vận hành gần giống như hoạt động đầu tư trái phiếu. Đặc biệt tại Mỹ, công ty P2P Lending chỉ được huy động tối đa 1,07 triệu USD trong mỗi năm từ nhà đầu tư, trừ trường hợp đặc biệt cần xin phép riêng và phải được thẩm định bởi Sở giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).

Tương tự, tại Malaysia, Ủy ban chứng khoán quốc gia (SC) giữ vai trò chính trong việc quản lý mô hình cho vay ngang hàng (do quan niệm đây là hình thức đầu tư vốn) và quy định lãi suất cho vay không vượt mức 18%/năm. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK) lại là đơn vị quản lý hoạt động P2P Lending của Indonesia và phải có số vốn tối thiểu 1 triệu rupiah (khoảng 67.000 USD) khi đăng ký và 2,5 triệu rupiah để được chính thức cấp giấy phép kinh doanh.

Mặc dù vậy, điểm chung của P2P Lending ở mọi quốc gia là khả năng lưu trữ dữ liệu lớn, giải ngân nhanh, linh hoạt và chi phí tuân thủ thấp hơn so với cách thức vay truyền thống. Chính những điều này đã khuyến khích sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các sàn P2P Lending trong những năm qua nhằm tiếp cận các đối tượng khách hàng chưa hoặc khó tiếp cận được khu vực ngân hàng.

Theo bà Dương Nguyễn, chuyên gia kinh tế khu vực tài chính Vụ Đông Nam Á, thị trường cho vay P2P Lending toàn cầu ước tính sẽ có mức tăng trưởng lên tới 53%/năm và có thể đạt tới giá trị 490 tỷ USD vào năm 2020.
Tiềm năng phát triển của P2P Lending được các chuyên gia kinh tế đánh giá là vô cùng lớn, có thể trở thành hình thức tín dụng phổ biến toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang dành nhiều sự quan tâm để đưa hệ thống này trở thành kênh dẫn vốn ổn định, minh bạch trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.