Chào các bạn,
Hiện nay ở Việt Nam trái phiếu đang là một kênh đầu tư hoàn toàn mới lạ. Để giúp các bạn hiểu rõ về kênh đầu tư này, Tiền Của Tôi sẽ giới thiệu với bạn những khái niệm cơ bản và ưu điểm của kênh đầu tư này như sau:
Nội dung bài viết
I. TRÁI PHIẾU LÀ GÌ?
Trái phiếu được định nghĩa là 1 loại chứng khoán, về mặt tính chất có nhiều điểm tương đồng với khoản cho vay có kỳ hạn, khẳng định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) cần trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay). Khoản tiền gốc, lãi và thời gian trả lãi trái phiếu thường sẽ được ấn định cụ thể từ đầu.
Vậy đối tượng thường xuyên có nhu cầu vay vốn qua kênh trái phiếu này là những ai?
1. Doanh nghiệp (Corporate bond)
Các doanh nghiệp lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp nhất với lợi ích doanh nghiệp. Với hình thức huy động từ trái phiếu, doanh nghiệp có thể huy động vốn dài hạn để mở rộng kinh doanh, phát triển các dự án mới hay để mua lại/sáp nhập một công ty khác. Trong khi đó, đối với hình thức vay vốn ngân hàng, đa số các doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn vay trung-dài hạn do các giới hạn về tỷ lệ an toàn của bản thân ngân hàng cũng như các điều kiện khắt khe khác.
Hiện tại một trong những trái phiếu doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường Việt Nam là trái phiếu doanh nghiệp iBond do TechcomSecurities xây dựng và phân phối.
Tìm hiểu thêm về các nội dung liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do TCBs phân phối.
2. Chính phủ (Government Bond).
Trái phiếu chính phủ (TPCP) được phát hành bởi chính phủ của 1 quốc gia với mục đích đầu tư cho phát triển kinh tế và bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. TPCP thường được coi là tài sản an toàn nhất trong phạm vi một quốc gia và lãi suất TPCP được sử dụng như một chỉ báo quan trọng về sức khỏe kinh tế của quốc gia đó. Hiện nay, phần lớn trái chủ nắm giữ TPCP ở Việt Nam là các ngân hàng thương mại và quỹ bảo hiểm.
II. ƯU THẾ CỦA TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
Điểm ưu việt của trái phiếu so với các hình thức đầu tư khác dưới góc nhìn của 1 nhà đầu tư là:
Mang lại thu nhập lãi đều đặn, định kỳ cho nhà đầu tư, không chịu ảnh hưởng từ diễn biến thị trường (trừ khi nhà đầu tư muốn bán trái phiếu trước ngày đáo hạn).
Nhà đầu tư chỉ bị mất vốn nếu doanh nghiệp mất khả năng trả nợ và tài sản bảo đảm của trái phiếu mất giá trị (trong tình huống này, cổ phiếu của doanh nghiệp gần như cũng không còn giá trị).
Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, theo quy định của pháp luật, các chủ nợ (trong đó có các Trái chủ) của doanh nghiệp được ưu tiên thanh toán trước, các cổ đông chỉ được hưởng phần tài sản còn lại cuối cùng.
Tính thanh khoản cao hơn tiền gửi tiết kiệm (có thể mua bán nhanh chóng thông qua đại lý chuyển nhượng).
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, trái phiếu được ưa chuộng vì:
Giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, đặc biệt là vốn dài hạn.
Chi phí huy động vốn trong nhiều trường hợp thấp hơn so với chi phí vay ngân hàng tùy kỳ hạn.
Hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư được nâng cao nhờ hiện diện trên thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, tại thị trường trái phiếu Việt Nam, các NĐT vẫn còn thận trọng với các loại hình trái phiếu doanh nghiệp do tính minh bạch của doanh nghiệp chưa cao, thông tin về tổ chức phát hành và các đợt phát hành còn thiếu, các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư còn yếu khiến cho quy mô và tốc độ phát triển của thị trường còn chưa được như kỳ vọng.
Bạn có thể tham gia CỘNG ĐỒNG NHÀ ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP để có thể hiểu rõ và xem nhiều hơn thông tin trải nghiệm sản phẩm.
Cảm ơn bạn đã đọc và xem video trong bài viết. Bạn có thể đăng ký kênh Youtube TienCuaToi Official để theo dõi nhiều hơn các video hữu ích và dễ hiểu hơn. Đừng quên để lại bình luận nếu bạn có ý kiến hay thắc mắc cần giải đáp nhé.