Đầu tư hay Đánh bạc – Tâm sự tài chính – Bài viết số 2

Chào Anh/chị và các bạn thân mến (Bạn)

Vậy là 1 tuần đã trôi qua và chúng ta lại quay trở lại với chuyên mục Tâm sự Tài chính trên Blog TienCuaToi.

Trong nhiều năm viết bài và được tâm sự chia sẻ với các bạn trên Blog TienCuaToi thì Hòa thấy rằng có rất nhiều bạn đã rất sợ mất tiền khi đầu tư vào một hình thức đầu tư nào đó. Đặc biệt là các hình thức cam kết lợi nhuận cao. Và nói thực là ai cũng sợ hết đó bạn à. Kể cả Hòa bây giờ khi đầu tư vào một hình thức đầu tư mới cũng vậy đó.  Nỗi sợ này sẽ làm cho bạn trùn tay và đánh đồng mọi kênh đầu tư đều dẫn đến khả năng mất tiền cao. Việc đầu tư của chúng ta sẽ bị dừng lại bởi những suy nghĩ này.

Chính vì vậy mà trong bài viết này Hòa muốn tâm sự với bạn một nội dung cũng khá hay liên quan đến việc đầu tư. Nó giúp bạn hiểu rõ hơn, tương minh hơn về vấn đề đầu tư. Đồng thời nó sẽ giúp bạn có niềm tin hơn, chắc chắn hơn trước khi quyết định đầu tư. Nội dung đó là việc chúng ta xác định ĐẦU TƯ HAY LÀ ĐÁNH BẠC  ngay từ khi đầu tư.

Mình đã dành 1h tâm huyết để viết bài này từ câu chuyện thực tế của Hòa. Vì vậy mà mình hy vọng bạn sẽ đọc kỹ  từng câu, từng chữ để hiểu rõ ý nghĩa của bài viết này với góc nhìn đầu tư của Hòa. Và Hòa cũng chắc chắn rằng nó sẽ có giá trị cho bạn thêm một cách  nhìn mới về đầu tư hiệu quả hơn.

Tuy nhiên trước khi bạn đọc tiếp Hòa cũng muốn nói rõ ràng rằng đây là quan điểm cá nhân của Hòa thôi. Có thể nó đúng và có thể nó chưa phù hợp nhưng nó đang tốt với Hòa thực sự trong đầu tư. Mỗi người có những quyết định và cách nhìn khác nhau và mình luôn tôn trọng các quyết định đó của các bạn  và mình cũng mong muốn học hỏi thêm các góc nhìn mới. Nào chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé.

Hòa kể câu chuyện này của chính bản thân Hòa thì bạn sẽ hiểu ngay cách phân biệt giữa 2 nội dung này.

Trong bài viết số 1 chuyên mục Tâm Sự Tài Chính,  Hòa đã chia sẻ về một câu chuyện là mình đã thực hiện cho vay một chị chuyên làm dịch vụ cầm đồ.  Qua lời giới thiệu của một người bạn đã tham gia đầu tư ở đây. Người bạn của mình nói rằng chị ấy trả tiền rất đều, lãi khá tốt, Anh đầu tư thử đi… Và Hòa cũng tìm hiểu tham gia đầu tư cho vay cho chị ấy. Vì ham lãi suất cao tới 6k/1 triệu/ngày mà mình đã bỏ 30 triệu vào đó để đầu tư.

Hai tháng đầu thì chị ấy trả lãi  khá tốt nhưng từ tháng thứ 3 trở đi bắt đầu lãi trả chậm dần còn 1 nửa, tháng thứ 4 thì chậm hẳn luôn. Và cứ như vậy gọi mãi, gọi hoài thì thỉnh thoảng mới được chị ấy trả  cho một phần lãi chứ chưa nói gì đến gốc và có đủ thứ lý do khó khăn trên đời này để chị ấy từ chối trả gốc cho mình. Cuối cùng đòi mãi dòng rã cả 1 năm trời thì cũng Hòa cũng chỉ lấy lại đủ gốc đã đầu tư. Vậy là phần lãi suất coi như mình không nhận được nữa. Nếu tính theo tiết kiệm Ngân hàng bây giờ thì coi như mình mất 7%/năm của số tiền đầu tư này.

Mình cũng không muốn đi sâu hơn nữa vào câu chuyện để tìm ra nguyên nhân là do chị ấy cố tình lừa mình hay do khó khăn thật sự. Nhưng cái mình nhìn nhận ra ở đây là cách thức đầu tư của mình ngay từ đầu đã sai thực sự rồi. Hòa đầu tư chỉ với đúng một lý do về lời hứa là Lợi nhuận cao 6k/1 triệu/ngày tương đương với 6%/tháng.

Vậy đấy, Hòa gọi cách thức đầu tư này là Đánh bạc. Hòa đã dùng đồng tiền kiếm được vất vả bởi mô hôi, nước mắt, sương máu của mình để đánh cược với lời hứa lãi cao. Chưa kể việc cho vay vay này cũng chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy mà việc mất mát giá trị lợi nhuận cũng là xứng đáng thôi.

Sau một thời gian dài thì Hòa cũng chẳng giám đầu tư  cho vay vào đâu nữa và chỉ duy nhất là gửi tiết kiệm Ngân hàng. Vì nỗi sợ mất tiền, mất lãi cứ ám ảnh mình mãi !!!

Nhưng bạn biết đấy, gửi tiết kiệm Ngân hàng thì đâu có lãi được bao nhiêu đâu. Nếu so với lạm phát thì quả thật là hàng ngày mình đang bị mất tiền đi mà mình không biết. Nỗi sợ mất tiền vì lạm phát cũng lại làm mình lo lắng và nó lại thôi thúc mình tìm hiểu tiếp tục quay trở lại tìm cách làm cho đồng tiền không bị mất giá trị bởi lạm phát.

Vậy là Hòa đã phải học lại những cái cơ bản mình đã được Ngân hàng dạy mình trong việc đầu tư cho vay. Thực sự nó rất đơn giản thế này thôi.

Đầu tiên thì cần phải làm rõ mong muốn của mình:

Hòa lấy một ví dụ đơn giản để hỏi bản thân mình như sau:

  • Mục tiêu mình cho vay với lợi nhuận kì vọng là bao nhiêu? Hòa nghĩ rằng 12%- 20% /năm là quá ổn rồi.
  • Hỏi lại bản thân: Mình có sợ mất tiền không? Có chứ. Vậy mình có muốn an toàn không? Có chứ. Vậy hãy tìm ứng dụng đầu tư, khách  hàng đầu tư  an toàn, minh bạch và có mức độ mất vốn thấp nhất.
  • Nếu mất tiền thì tôi không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của mình???.  Vậy thì mình chỉ  nên phân bổ một phần tiền trong danh mục đầu tư vào hình thức này thôi và phải  nhớ là dùng tiền mặt của mình.
  • Tôi muốn hiểu rõ về mô hình kinh doanh, cách thức tạo ra lợi nhuận và khả năng sinh lời, khả năng trả nợ của người vay…. Vậy thì bạn cùng đọc tiếp phần dưới về cách đánh giá nhé.

Trước khi thực hiện cho vay thì Hòa sẽ đánh giá rất kĩ về các thông tin pháp lý, thu nhập và mục đích sử dụng tiền của người vay.

  • Pháp lý: Người vay ở đâu, có vi phạm về hình sự hay hành chính bao giờ không, cách sống của người ấy với cơ quan làng xóm như thế nào, người vay có chậm trả lãi Ngân hàng hoặc bên thư ba bao giờ không.
  • Thu nhập: Người vay đang làm việc ở đâu  có nguồn thu nhập đều hàng tháng hoặc có nguồn thu nhập cụ thể có ổn định không, mức như vậy có khả  năng trả nợ cho mình hay không? Người vay có tài sản tích lũy  không?..
  • Mục đích sử dụng tiền của người vay: Đây là một yếu tố khá quan trọng, nếu người vay sử dụng tiền vào kinh doanh thật, hay tiêu dùng hay khám chữa bệnh, học hành thì Hòa nghĩ rằng đây là các mục đích rất chính đáng. Nếu mục đích vay  chỉ nhằm đi cho vay  lại hoặc tiêu dùng xa hoa, đánh cược… thì không thể cho vay được.
  • Biện pháp bảo đảm: Người vay có các tài sản nào để bảo đảm hay có ai bảo lãnh cho người vay được không? Đây  là một điểm cộng trong phương án cho vay và là cơ sở để giảm lãi suất vay.

Dựa trên các cơ sở này thì Hòa sẽ đánh giá các rủi ro có thể xảy ra với khách hàng và đánh giá về khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định cho vay.

Quay lại câu chuyện ở trên nếu Hòa đánh giá về uy tín của chị ấy, về hoạt động kinh doanh của chị ấy thì chắc chắn bây giờ Hòa sẽ không cho vay được vì rủi ro quá cao. Rủi ro ở đây nằm ở cam kết trả nợ của người vay, uy tín của người vay và ở hoạt động cho vay của người vay có hợp pháp và có đảm bảo hiệu quả không ?.

Mình không kiểm soát được hoạt động cho vay của chị ấy có hiệu quả không? Mà nếu chị ấy kinh doanh hiệu quả nhưng chị ấy không muốn trả nợ cho mình thì mình có cách nào để đòi lại được không? Mình là dân văn phòng làm sao có thể dùng các biện pháp thu hồi nợ với những người cho vay cầm đồ đã quá quen với thu hồi nợ chuyên nghiệp rồi. Đó là một điểm khác biệt rất lớn trong việc chọn đối tượng cho vay.

Hiện nay có rất nhiều các hình thức đầu tư kiểu cam kết lợi nhuận cao. Các công ty, cá nhân đã quảng cáo rất rất nhiều trên mạng xã hội, trên Google, …  như đầu tư Coin, đầu tư bất động sản, đầu tư vào quảng cáo, đầu tư vào máy bán nước,… Những hình thức này đều có cam kết lợi nhuận rất cao từ 2%- 15%/tháng và cũng chẳng có một cá nhân hay cơ quan tổ chức nào đánh giá cho những hoạt động này có hợp pháp không, có thực sự hiệu quả không và khả năng thành công có cao không?

Với kinh nghiệm làm Ngân hàng cũng như kinh doanh thực tế thì để có được một khoản lợi nhuận từ 2-15%/tháng thực sự là rất khó khăn. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid – 19 như thế này.

Dưới đây là một vài ví dụ đang quảng cáo:

Nội dung cốt lõi ở bài viết này Hòa cũng không đi sâu vào nghiệp vụ mà chỉ đưa ra minh họa để bạn hiểu rõ hơn về hai cụm từ: Đầu tư hay Đánh bạc mà thôi. Hy vọng bạn sẽ làm sáng tỏ hơn cho mình một góc nhìn mới, một đánh giá mới về việc thực hiện đầu tư.

Mình xin note lại một ý như này: Xin đừng đánh bạc với đồng tiền mồ hôi, nước mắt và sương máu của mình.

Hãy cẩn trọng khi bỏ tiền vào bất kỳ kênh đầu tư nào và hãy hiểu rõ mô hình kinh doanh, rủi ro và khả năng sinh lời của kênh đầu tư đó trước khi đầu tư. Và Hòa tin rằng bạn sẽ có niềm tin hơn vào đầu tư tạo ra lợi nhuận và  bạn cũng sẽ đánh tan nỗi sợ mất tiền vẫn đang hiện hữu trong con người mình.

Cảm ơn Anh/chị  và các bạn đã đọc hết bài viết này.

Chúng ta sẽ quay trở lại bài viết số 3 vào 7h sáng thứ 7 ngày 29/8/2020 trên chuyên mục Tâm sự Tài Chính: https://tiencuatoi.vn/category/tai-chinh-ca-nhan/tam-su-tai-chinh.

Chúc Anh/Chị và các bạn một ngày thật vui và hạnh phúc.

Link bài viết gốc: https://tiencuatoi.vn/dau-tu-hay-danh-bac-tam-su-tai-chinh-bai-viet-so-2.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.